• mail_icon.svgconsult@asokalaw.vn
VN en
Sở hữu công nghiệp

Chuyên mục do Asoka Law cung cấp tin tức mới nhất về bảo vệ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, tên thương mại, tên miền, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,...

Aspirin đã từng là một nhãn hiệu?

Đúng vậy. Nhưng nay “Aspirin” lại được sử dụng như một từ thông thường để chỉ các loại thuốc giảm đau. Và đó không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới bị mất đi chức năng của nhãn hiệu.

Đúng là như vậy đấy. Bạn không nghe nhầm đâu. “Aspirin” đã từng là một nhãn hiệu, nhưng nay lại được sử dụng như một từ thông thường để chỉ các loại thuốc giảm đau.

 

Hiện tượng nhãn hiệu trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ

 

Bạn có thể đã từng biết hay nghe đến việc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ví dụ, đăng ký “Computer” cho sản phẩm “máy vi tính”, “Cotton” cho sản phẩm “quần áo”, hay “Bột mỳ” cho sản phẩm “bánh mỳ”, "Logistics" cho dịch vụ "vận chuyển". Nhưng ngược lại, một nhãn hiệu đang được bảo hộ có thể trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá/dịch vụ. Trớ trêu thay, nhãn hiệu càng nổi tiếng thì càng có nguy cơ trở thành một từ thông dụng.

Đây là hiện tượng một nhãn hiệu trở nên phổ biến và nổi tiếng đến mức người ta dùng nhãn hiệu đó như tên gọi của sản phẩm/dịch vụ, chứ không phải là tên gọi nhãn hiệu để phân biệt nguồn gốc của của sản phẩm/dịch vụ. Chủ sở hữu của những nhãn hiệu bị “thông dụng hóa” sẽ mất đi quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt nhãn hiệu đó. 

“Aspirin” không phải là “nạn nhân” duy nhất của hiện tượng này. Dưới đây là một số từ thông dụng khác mà trước đó đã được bảo hộ là nhãn hiệu:

  • Yo-yo
  • Escalator
  • Heroin
  • Zipper


Aspirin đã từng là một nhãn hiệu?

Hình 1. Escalator (thang cuốn) hay Yo-Yo đã từng là nhãn hiệu.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Một nhãn hiệu phải được sử dụng đúng chức năng của một nhãn hiệu. Cụ thể là nó được dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của một bên với hàng hóa/dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của một bên khác. Ví dụ: nhãn hiệu “Winmart+” được sử dụng để phân biệt với “Circle K” cho dịch vụ siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Việc một nhãn hiệu không được sử dụng đúng chức năng trên sẽ khiến cho nhãn hiệu đó mất đi tính phân biệt.

Asoka IP xin liệt kê một số nguyên nhân/tình huống cụ thể dẫn đến tình trạng này:

 

1. Sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu là độc nhất trên thị trường tại thời điểm ra mắt

 

Hãy cùng quay trở lại với Aspirin. Aspirin là tên một loại thuốc giảm đau, hạ sốt của Công ty Bayer AG, và đã được Công ty này đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Vào thời điểm đó, các bác sỹ, dược sỹ và cả người sử dụng khi nhắc đến Aspirin thì đều hiểu rõ đây là sản phẩm của Bayer. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, từ “Aspirin” được sử dụng nhiều tới mức người ta mặc định đây là từ để chỉ thuốc giảm đau, hạ sốt. Mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp bảo vệ, Bayer vẫn không thể bảo vệ được quyền sở hữu với nhãn hiệu này.

Đọc thêm: Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu?

 

2. Chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người tiêu dùng sử dụng nhãn hiệu trên thị trường không đúng cách

 

Dần dần, người tiêu dùng sử dụng tên của nhãn hiệu liên tục, hàng ngày và mặc nhiên coi nhãn hiệu là tên thông thường của sản phẩm/dịch vụ. Một trong những ví dụ về việc sử dụng không đúng cách là dùng nhãn hiệu như một động từ. Chúng ta vẫn thường nói “Photoshop it” hay “Photoshop nó đi” để chỉ hành động chỉnh sửa một bức ảnh nào đó, thay vì “Chỉnh bức ảnh đó bằng phần mềm Photoshop đi”.

Adobe – công ty sở hữu và phát triển phần mềm Photoshop cũng nhận ra được nguy cơ đánh mất nhãn hiệu do việc sử dụng trên. Vì vậy, họ khuyến nghị khách hàng của họ không nên sử dụng Photoshop như một động từ, mà nên đọc đầy đủ tên của phần mềm “Adobe Photoshop”. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với các thương hiệu lớn như Google và Xerox. 

 

3. Do sự lơ là, chủ quan của chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc bảo vệ nhãn hiệu của mình khỏi các hành vi xâm phạm

 

Nếu Bayer có những động thái ngăn chặn việc sử dụng không đúng cách nhãn hiệu của họ sớm hơn, có thể bây giờ Aspirin vẫn là một nhãn hiệu được bảo hộ.

Aspirin đã từng là một nhãn hiệu?
Hình 2. Các công ty lớn như Google, Adobe, Xerox vẫn luôn phải tìm các biện pháp để tránh việc bị “thông dụng hóa nhãn hiệu”.

 

Hậu quả và cách phòng tránh

 

Nhãn hiệu trở thành từ thông dụng sẽ mất đi khả năng phân biệt. Điều này có nghĩa là các cá nhân, công ty, đối thủ khác có thể tự do sử dụng nhãn hiệu này cho hàng hóa, dịch vụ của họ. Do đó, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ mất đi quyền sở hữu với nhãn hiệu đó.

Đọc thêm: Nhãn hiệu chưa đăng ký tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh doanh

Tất nhiên, các cá nhân/công ty vẫn có thể tránh được tình trạng này bằng cách thực hiện biện pháp sau:

  • Sử dụng các ký hiệu ® (cho nhãn hiệu đang được bảo hộ) hoặc TM (cho nhãn hiệu đã nộp đơn nhưng chưa được chấp thuận bảo hộ);
  • Gia hạn nhãn hiệu đúng hạn để thể hiện bạn vẫn đang sử dụng và không có ý định từ bỏ nhãn hiệu;
  • Không sử dụng nhãn hiệu dưới dạng động từ như “Google nó đi”, “Photoshop nó đi”;
  • Sử dụng nhãn hiệu với một dòng sản phẩm chứ không phải chỉ cho một sản phẩm duy nhất. Ví dụ nhãn hiệu “ADIDAS” cho các sản phẩm “quần, áo, giày, dép, đồ thể thao;
  • Xây dựng các quy chế sử dụng nhãn hiệu và thường xuyên đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng đúng cách nhãn hiệu để hạn chế các bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu không đúng cách dẫn đến nhãn trở thành từ thông dụng;
  • Khi đăng ký nhãn hiệu, có thể kết hợp tên nhãn với tên sản phẩm mang nhãn hiệu. Ví dụ: đặt tên nhãn là “bánh mỳ ABC”.

Tại Việt Nam, việc bảo vệ nhãn hiệu khỏi tình trạng “thông dụng hóa” vẫn chưa cao do chưa có vụ việc cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, Asoka IP luôn luôn tin rằng: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ nhãn hiệu sẽ giúp ích cho quá trình phát triển và gia tăng giá trị thương mại của nhãn hiệu của Quý Khách hàng.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ với ASOKA IP qua thông tin bên dưới để được các luật sư và chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ kịp thời.

 

Thông tin liên hệ Asoka IP Law:

Khu vực Miền Bắc: 096 191 4328 (zalo/WhatsApp/telegram)
Khu vực Miền Nam: 0984 333 629 (zalo/WhatsApp/telegram)
Email: ipsupport@asokalaw.vn hoặc consult@asokalaw.vn

 

Bài viết được thực hiện bởi: Sean Nguyen - Chuyên viên Sở hữu trí tuệ của Asoka IP

Nhận tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý của bạn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
zalo-img.png
Đăng ký tư vấn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
Dịch vụ bạn cần tư vấn: