• mail_icon.svgconsult@asokalaw.vn
VN en
Giải quyết tranh chấp

Trang tổng hợp tin tức mới nhất về đăng ký nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ. Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.

Phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình – Kiện được hay không?

Ngoại tình là một vấn đề đang rất nhức nhối và phổ biến trong xã hội hiện nay. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về hành vi ngoại tình và mức xử phạt nhưng Luật Hôn nhân và gia đình cũng như Bộ luật Hình sự đã có những điều khoản liên quan đến vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chịu ảnh hưởng từ việc ngoại tình của vợ hoặc chồng.

Hiện nay, tình trạng ngoại tình xảy ra rất thường xuyên và dẫn đến nhiều hệ quả xấu đối với những gia đình có vợ hoặc chồng ngoại tình như ly hôn và các vấn đề tranh chấp liên quan đến con chung, tài sản chung,... Tuy vậy, vấn đề này thường được xem xét dưới khía cạnh xã hội hơn là góc độ pháp lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về hành vi ngoại tình cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến ngoại tình, đặc biệt là hành vi này có khởi kiện ra tòa án được hay không.

Trước hết, ngoại tình có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Câu trả lời là có. 

Ngay từ những điều khoản đầu tiên của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy đinh một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng” (khoản 1 Điều 2). 

Điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình quy định cấm hành vi “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... (Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001).

Từ các điều khoản trên có thể thấy ngoại tình là hành vi đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình và là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

Hành vi ngoại tình dẫn đến nhiều hệ quả xấu

Quy định về hình thức xử phạt và mức phạt

Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”.

Khi một người có hành vi ngoại tình, họ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 với mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cụ thể là:

1. Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ hoặc; 

2. Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

Trường hợp hành vi ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,…; hay người có hành vi ngoại tình đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bộ luật Hình sự 2015 đã dành riêng một chương (chương XVII) để quy định về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Trong đó, khoản 1 Điều 182 quy định:

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Đối với các tranh chấp dân sự, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:

1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

5. Tranh chấp về cấp dưỡng.

6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Vợ hoặc chồng ngoại tình sẽ phải chịu phạt theo quy định của pháp luật

Từ đó, có thể thấy rằng hành vi ngoại tình không thuộc một trong những tranh chấp dân sự về hôn nhân và gia đình nhưng những hệ quả của hành vi này có thể dẫn đến những tranh chấp được liệt kê tại Điều luật trên.

Như vậy, có thể khởi kiện vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình hay không?

Qua các quy định pháp luật đã được viện dẫn ở trên, có thể kết luận rằng với hành vi ngoại tình có tính chất nghiêm trọng và có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng chỉ là một trong những yếu tố để tòa án xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng. Người có hành vi ngoại tình sẽ gặp bất lợi trong vấn đề chia tài sản chung hoặc giành quyền nuôi con trong quá trình ly hôn căn cứ vào yếu tố “lỗi”.

Nhận tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý của bạn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
zalo-img.png
Đăng ký tư vấn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
Dịch vụ bạn cần tư vấn: