Trang tổng hợp tin tức mới nhất về các thủ tục hoặc các tranh chấp liên quan đến dân sự như hôn nhân và gia đình, thừa kế, nhận con nuôi,... do Hãng Luật Asoka Law tham gia xử lý hoặc phân tích dưới góc độ bình luận pháp lý.
Nghe có vẻ lạ lùng, “nói dối” mà vẫn được pháp luật cho phép và bảo vệ hay sao? Asoka Law sẽ chia sẻ cho các bạn biết các trường hợp “nói dối” nhưng được coi là hợp pháp. Để biết như thế nào là “nói dối” đúng pháp luật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các trường hợp “nói dối” trái với các quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, những lời nói dối có thể được xem là vô hại khi nó không gây phương hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi vi phạm nguyên tắc này, các “lời nói dối” có thể phải “trả giá” trước pháp luật. Một lưu ý ở đây đó là cụm từ “lời nói dối” được sử dụng trong bài viết được hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm những lời nói, hành vi gian dối tác động đến người khác.
Trên phương diện dân sự, khi phát hiện những giao dịch dân sự mang tính chất lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự hiện hành. Lừa dối trong giao dịch dân sự được hiểu là “hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Ví dụ, ông A biết rõ về chất lượng hàng hóa của mình không đạt chuẩn, nhưng vẫn cố tình lừa dối ông B để bán lô hàng cho ông B dẫn đến việc ông B bị thiệt hại.
Đối với phương diện hình sự, các “lời nói dối” có thể khiến người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và phải chịu các mức phạt theo quy định của Bộ luật hình sự. Có thể kể đến một số tội danh liên quan đến những “lời nói dối” như: Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Điều 197. Tội quảng cáo gian dối; Điều 198. Tội lừa dối khách hàng; Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối; Điều 384. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu; Điều 403. Tội trốn tránh nhiệm vụ.
Xét về góc nhìn kinh doanh thương mại, các thương nhân xem những “lời nói dối” như những “mánh khóe” để giúp cho doanh nghiệp của mình có thể phát triển. Nhưng cần lưu ý rằng, bất cứ hành động nào cũng sẽ để lại những hậu quả, là “lời nói dối” cũng thế, hãy sử dụng “lời nói dối” một cách khôn ngoan và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác để có thể tối ưu hóa lợi nhuận và đem lại những lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp.
Tóm lại, để “lời nói dối” đúng pháp luật, hãy sử dụng nó một cách khôn khéo. Không vi phạm các điều cấm của luật, không trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội, và quan trọng không làm phương hại đến quyền và lợi ích của người khác, “lời nói dối” của bạn có thể được sử dụng và không trái với các quy định pháp luật.