Trang tổng hợp tin tức mới nhất về các thủ tục hoặc các tranh chấp liên quan đến dân sự như hôn nhân và gia đình, thừa kế, nhận con nuôi,... do Hãng Luật Asoka Law tham gia xử lý hoặc phân tích dưới góc độ bình luận pháp lý.
Ngày nay, một số gia đình thường yêu thích và có nhu cầu mua những vật nuôi có xuất xứ từ nước ngoài để chăm sóc. Xu thế này đã và đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta, nhất là những vật nuôi như chó, mèo. Chính vì vậy, cần nắm rõ những thủ tục để có thể "nhập cảnh" những vật nuôi này vào Việt Nam một cách hợp pháp.
Theo quy định tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó, muốn đưa thú cưng của mình vào Việt Nam, thì chủ của thú nuôi đó phải đi đăng ký kiểm dịch nhập khẩu trực tiếp tại cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu khi mang theo động vật, cụ thể không quá 02 con với mục đích để nuôi làm cảnh, sinh hoạt trong gia đình hoặc mang theo đi du lịch, công tác, quá cảnh và không thuộc Danh mục động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định;
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật quy định được thực hiện đối với động vật như sau: Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; kiểm tra lâm sàng động vật; phòng bệnh bằng vắc xin đối với động vật chưa được phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; lấy mẫu xét nghiệm đối với động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau đó, sẽ được Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với động vật.
Ngoài ra, chủ của vật nuôi cũng cần quan tâm đến những vấn đề liên quan đến điều kiện để vận chuyển thú nuôi bằng đường hàng không. Các quy định sẽ tùy thuộc và từng hãng máy bay khác nhau, vì vậy, chủ vật nuôi cần lưu ý liên hệ trước với các hãng máy bay để nắm rõ các thủ tục để giúp thú cưng dễ dàng được “nhập cảnh” vào Việt Nam.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc “nhập cảnh” thú cưng của mình. Chủ thú cưng cần nắm rõ những thủ tục trên để có thể đưa thú cưng của mình vào Việt Nam một cách hợp pháp.