Trang thông tin - Cập nhật những tin tức mới nhất từ Asoka Law về pháp lý dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mọi tổ chức, cá nhân khi được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay một số thủ tục như: đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp, khắc dấu và công bố mẫu dấu, các vấn đề về thuế,… để tránh bị Cơ quan nhà nước xử phạt hành chính do thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các quy định của pháp luật.
Đầu tiên, doanh nghiệp sau khi thành lập cần phải biết những nghĩa vụ sau:
1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh;
2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;
3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật;
5. Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố;
6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
7. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó;
8. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh;
9. Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng
Vậy doanh nghiệp cần phải tiến hành những thủ tục nào? Sau đây là những thủ tục “đinh” mà doanh nghiệp cần phải nắm.
1. Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp
Ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự và thủ tục của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
2. Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu chứ không cần phải khai báo với cơ quan Công an theo quy định của Luật DN 2005. Ngay sau khi tiến hành khắc dấu, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh thì đương nhiên con dấu của doanh nghiệp sẽ không có hiệu lực pháp luật.
3. Vấn đề đăng ký thuế
Khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan thuế để đăng ký thuế. Nếu hồ sơ bị chậm và không thực hiện đúng về kê khai thuế và nộp thuế, thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp Luật.
4. Gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính
Tại trụ sở chính, chi nhánh hay văn phòng đại diện của doanh nghiệp buộc phải có gắn tên của doanh nghiệp. Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc phải gắn tên doanh nghiệp theo quy định.
5. Giấy phép con
Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì ngoài giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh như: Giấy phép du học, bảo vệ, du lịch lữ hành quốc tế….
6. Thực hiện góp vốn theo cam kết
Đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau thì quy định về mức vốn pháp định là khác nhau:
– Đối với công ty TNHH: Chủ sở hữu và các thành viên phải góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp vào công ty. Trường hợp thành viên công ty không góp đủ vốn đương nhiên sẽ không còn là thành viên của công ty hoặc nếu chỉ góp một phần thì sẽ chỉ có quyền tương ứng với số vốn đã góp. Đồng thời, những thành viên này sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp với các nghĩa vụ tài chính của công ty.
– Đối với công ty Cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp GCNĐKDN. Trường hợp cổ đông công ty không thanh toán số cổ phần đương nhiên sẽ không còn là cổ đông của công ty hoặc nếu chỉ thanh toán một phần thì sẽ chỉ nhận được phần lợi tức và các quyền khác tương ứng với số vốn đã góp. Đồng thời, những cổ đông này sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua với các nghĩa vụ tài chính của công ty.
7. Cấp Giấy chứng nhận vốn góp
Đối với mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty phải có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên tại thời điểm góp vốn theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp công ty không thực hiện, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo quy định của công ty đó.
8. Thành lập ban kiểm soát
– Đối với mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Khi công ty có số lượng thành viên từ 11 người trở lên thì phải thành lập Ban kiểm soát.
– Đối với mô hình công ty Cổ phần: Khi có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát .
Trong trường hợp doanh nghiệp không thành lập Ban kiểm soát thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.
9. Vấn đề về sử dụng lao động và chế độ bảo hiểm
Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Kế toán của doanh nghiệp sẽ phải lên cơ quan BHXH quận để làm hồ sơ tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động trong công ty.
10. Báo cáo sử dụng hóa đơn
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
---
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Asoka Law - Người Cộng Sự Tận Tâm
Hotline: 028 62 789 228
Email: consult@asokalaw.vn