• mail_icon.svgconsult@asokalaw.vn
VN en
Sở hữu công nghiệp

Chuyên mục do Asoka Law cung cấp tin tức mới nhất về bảo vệ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, tên thương mại, tên miền, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,...

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ mới nhất

Luật Sở Hữu Trí Tuệ được ban hành năm 2005. Đến nay, Luật đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009, 2019 và gần nhất là năm 2022.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở Hữu Trí Tuệ số 07/2022/QH15 ban hàn ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Dưới đây, Asoka IP Law xin được tổng hợp và gửi đến quý bạn đọc một số thay đổi liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu:

VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ NHÃN HIỆU:

  • Bãi bỏ định nghĩa về nhãn hiệu liên kết

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bãi bỏ định nghĩa về nhãn hiệu liên kết tại khoản 19 Điều 4.

  • Nhãn hiệu âm thanh chính thức được bảo hộ

Điều 72 đã bổ sung điều kiện để nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ.

“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”

Ngoài ra, khoản 2 Điều 105 cũng đã bổ sung yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu âm thanh.

“Điều 105. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu

[...]

2. Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó. [...]”

Việc mô tả nhãn hiệu âm thanh trong tờ khai đăng ký nhãn hiệu được hướng dẫn tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

VỀ THỦ TỤC XỬ LÝ ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU:

  • Công khai đơn đăng ký nhãn hiệu

Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung khoản 1a, quy định về việc công khai đơn đăng ký nhãn hiệu chưa hợp lệ ngay sau khi tiếp nhận.

“Điều 110. Công khai đơn đăng ký nhãn hiệu, công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1a. Đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công khai ngay sau khi được tiếp nhận.

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều này. [...]

  • Thời hạn và hình thức để người thứ ba phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung Điều 112a để quy định về người thứ ba có quyền phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong vòng 05 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố và hình thức thể hiện ý kiến phản đối này.

“Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

[...]

c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

[...]

2. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

  • Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã sửa đổi một số trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ nói chung cũng như Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nói riêng. Trong đó, nổi bật nhất là quy định về việc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” (bad-faith) tại điểm b khoản 1 Điều 117. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đưa thuật ngữ này vào Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về “dụng ý xấu”.

“Điều 117. Từ chối cấp văn bằng bảo hộ

1. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;

b) Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;

c) Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 90 của Luật này;

d) Đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn;

đ) Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn. [...]”

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ mới nhất

Minh hoạ quy trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

  •  Quy trình từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Cũng tại Điều 117, quy trình để cơ quan quản lý nhà nước từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được sửa đổi như sau:

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo kết quả thẩm định nội dung khi gửi thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn;

- Bổ sung 02 trường hợp tạm dừng quy trình thẩm định đơn tại điểm b và điểm c khoản 3;

- Bãi bỏ quy định tại khoản 4: “Trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối”.

“Điều 117. Từ chối cấp văn bằng bảo hộ

[...]

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

c) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

d) Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.

4. (được bãi bỏ)”

  • Quy trình cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Trong thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gửi cho người nộp đơn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo kết quả thẩm định nội dung, phạm vi dự định cấp và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định lại những vấn đề bị phản đối trong trường hợp có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung.

“Điều 118. Cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại các khoản 1, 1a và 2, điểm d khoản 3 Điều 117 của Luật này hoặc người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 117 của Luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung;

b) Quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn nộp phí, lệ phí.

2. Trong trường hợp có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.”

  • Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hàng đã bổ sung Điều 119a để quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp.

“Điều 119a. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp

1. Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

3. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan. Đơn khiếu nại được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

4. Trong trường hợp khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác cần thẩm định lại, người khiếu nại phải nộp phí thẩm định lại.

5. Thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này hoặc người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại, thời gian thẩm định lại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Thời hạn thẩm định lại được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này.

6. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại không quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”

VỀ HIỆU LỰC CỦA GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU:

  • Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu

Quy định này được thể hiện tại  điểm a khoản 1 Điều 96.

“Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu; [...]”

  • Thời điểm có hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung khoản 8 Điều 93, quy định thời điểm có hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam.

“Điều 93. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

[...]

8. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid. [...]”

Ngày 23/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23/8/2023. Các mẫu tờ khai trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói chung và mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu nói riêng đã có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Xem thêm: Có gì mới trong mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu hiện hành?


Để được tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Quý khách hàng có thể gọi đến Asoka IP Law - Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp chính danh, được cấp phép bởi Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam.

Thông tin liên hệ Asoka IP Law:

  • Khu vực Miền Bắc: 096 191 4328 (zalo/WhatsApp/telegram)
  • Khu vực Miền Nam: 0984 333 629 (zalo/WhatsApp/telegram)

Email: ipsupport@asokalaw.vn hoặc consult@asokalaw.vn

Nhận tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý của bạn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
zalo-img.png
Đăng ký tư vấn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
Dịch vụ bạn cần tư vấn: