Thời đại số bắt đầu vào những năm 70s của thế kỷ 20 với sự ra đời của máy tính cá nhân cùng sự chuyển đổi công nghiệp truyền thống sang số hóa tài nguyên, tạo ra những sản phẩm kỹ thuật số, đẩy mạnh việc hội nhập thông tin trên toàn cầu.
1. Nguồn gốc biện pháp công nghệ bảo vệ quyền
Ngành công nghiệp sao chép bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, với Xerox 914 là máy photocopy giấy thường thương mại thành công đầu tiên, đã cách mạng hóa ngành công nghiệp sao chép tài liệu với kỹ thuật sao chép tín hiệu tương tự (analog copy).
Analog copy sử dụng tín hiệu để biểu diễn các thông tin như âm thanh, hình ảnh, tín hiệu điện tử và nhiều loại hình thông tin khác. Ở thời điểm này việc sao chép còn hạn chế vì sự sao chép hình ảnh và âm thanh từ sản phẩm này sang sản phẩm khác sẽ làm giảm dần chất lượng sản phẩm đi với mỗi lần nhân bản. Tuy nhiên từ khi kỹ thuật số sử dụng ngôn ngữ máy tính ra đời, “các bản sao được nhân bản ở mức hoàn hảo”1 gần như là giống hệt với bản gốc bằng phương pháp sao chép số (digital copy), không chỉ thế mà giá thành còn vô cùng rẻ so với thời kỳ trước. Từ đó không chỉ ngành công nghiệp sao chép phát triển mạnh mẽ mà các hoạt động xâm phạm bản quyền đối với các tác phẩm lưu hành trên không gian mạng nói chung cũng được “cách mạng hóa”.
Trong bối cảnh các tác phẩm dễ dàng bị sao chép qua phương thức số hóa và tái sản xuất thành sản phẩm thật dưới dạng vật lý để phân phối trái phép như vậy, các quy định pháp luật bảo vệ tác giả cũng như chủ sở hữu bản quyền bằng biện pháp công nghệ cũng dần được xây dựng trong luật pháp Quốc tế và Quốc gia.
2. Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là gì?
Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (Technological Protection Measures - TPMs) là việc sử dụng những thiết bị hoặc phần mềm để bảo vệ và ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp như truy cập hay sao chép trái phép. Biện pháp này, đôi khi còn được biết đến như Quản lý bản quyền kỹ thuật số (Digital rights management), được ứng dụng để điều khiển việc một sản phẩm có thể được sử dụng bằng công nghệ kỹ thuật như thế nào.
TPMs có thể tồn tại ở nhiều hình thức nhưng tựu chung lại có thể hiểu là bất kỳ cách thức nào có tác dụng, bao gồm nhưng không giới hạn, hạn chế người dùng thực hiện một thao tác nào đó với nội dung có bản quyền để phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm. Những hạn chế này có thể là không cấp toàn quyền sử dụng sản phẩm trên Internet, chỉ hiển thị bản xem trước sản phẩm bày bán ở chất lượng thấp hoặc gắn thông tin về chủ sở hữu vào sản phẩm có bản quyền. Bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào có tác dụng trong việc bảo vệ bản quyền tác giả đều có thể coi là TPMs.
Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả 1996 (WCT) đã đặt ra quy chế bảo hộ cho TPMs bằng cách ngăn cấm người dùng cố ý qua mặt, vô hiệu hóa các phương thức trên. Các Quốc gia thành viên của Hiệp ước sau đó cũng dần xây dựng quy định về TPMs trong luật của nước mình, khởi đầu là Luật Bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số 1998 của Mỹ (DMCA) và sau đó là Chỉ thị Bản quyền Liên minh Châu Âu 2001 (EUCD).
Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền.
Bên cạnh đó, Pháp luật Bản quyền của Canada cũng quy định (tạm dịch): Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc một linh kiện hiệu quả nào trong quá trình hoạt động:
a. Kiểm soát quyền truy cập một tác phẩm, bản ghi âm trình diễn hoặc bản ghi âm và việc sử dụng với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả; hoặc
b. Hạn chế các hoạt động liên quan tới một tác phẩm, bản ghi âm trình diễn hoặc bản ghi âm - quy định trong phần 3, 15 hoặc 18 và bất kỳ hoạt động nào phải trả phí trong phần 19.
Pháp luật các Quốc gia khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng không quy định rõ ràng các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền có thể sử dụng cụ thể là gì, mà chỉ đưa ra một mệnh đề mở rằng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ hay linh kiện nào có thể sử dụng để bảo vệ bản quyền khỏi sự xâm phạm một cách hiệu quả. Điều này là phù hợp với xu thế đương đại vì công nghệ thông tin đang phát triển một cách chóng mặt trên toàn cầu. Giải pháp và ứng dụng mới liên tục được tạo ra vì vậy nếu như quy định cứng nhắc các biện pháp cụ thể nào có thể được sử dụng thì sẽ mâu thuẫn với xu hướng sáng tạo của thời đại.
Tác giả và chủ sở hữu bản quyền có thể chủ động tìm hiểu áp dụng một cách hợp pháp bất kỳ công nghệ mới nào để bảo vệ tác phẩm của mình một cách hiệu quả nhất.
3. Ứng dụng biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền
Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền trong vận hành
Mật khẩu
Bạn có thể tạo ra một chuỗi mật khẩu yêu cầu người dùng phải nhập khi có yêu cầu để được truy cập vào sản phẩm có bản quyền trên không gian mạng hoặc giải nén file zip khi người dùng đó đã tải sản phẩm của bạn về thiết bị cá nhân. Đơn cử như các phần mềm của Window, khi người dùng tải file nén về thì phải nhập mật khẩu để giải nén phần mềm và để có mật khẩu thì người dùng phải thanh toán giá tiền niêm yết của sản phẩm cho chủ sở hữu bản quyền. Mặc dù biện pháp này có thể bị qua mặt nhưng nói chung vẫn được đánh giá là khá hiệu quả vì để hack được mật mã thì người xâm phạm phải có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin nhất định.
Nhập mật khẩu để giải nén file zip (nguồn: Windows TenForums).
Mã hóa
Cụ thể, bạn có thể mã hóa các tác phẩm viết, hình ảnh hay âm thanh của mình sao cho người dùng chỉ có thể sử dụng khi thiết bị của họ có “chìa khóa” truy cập. Tức, thiết bị của người dùng chỉ đọc được dữ liệu trong tác phẩm nếu tương thích hoặc khi được trao quyền, và khi đó thì những thao tác mà thiết bị này có thể thực hiện với tác phẩm cũng bị hạn chế tùy theo thiết kế của bạn.
Ví dụ, hệ thống xáo trộn nội dung (CSS - Content Scrambling System) là một hệ thống mã hóa và quản lý quyền kỹ thuật số sử dụng trên nhiều đĩa DVD-Video thương mại, khiến cho các thiết bị không tương thích sẽ không phát được đĩa DVD và kể cả khi có quyền truy cập thì đa số các thiết bị cũng không sao chép được dữ liệu từ DVD này sang một tệp trống khác. Ngoài ra bạn có thể đặt ra các hạn chế khác như không cho phép bôi đen văn bản, vô hiệu hóa lệnh copy hoặc lệnh in của máy tính,...
Trang web chặn không cho người dùng bôi đen văn bản (nguồn: https://thetrademarksearchcompany.com/how-to-prove-the-use-of-a-trademark/).
Hạn chế quyền truy cập: đây cũng là một biện pháp được sử dụng bởi nhiều bên kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số bằng cách ấn định một khoảng thời gian nhất định người dùng được quyền truy cập (người dùng có thể mua quyền sử dụng theo ngày, giờ, tháng hoặc năm) hoặc hạn chế số lượng người/tài khoản được truy cập vào để xem nội dung hữu quan (ví dụ như Netflix, một tài khoản có thể tạo tối đa 05 hồ sơ thành viên để xem phim).
Trang web đọc sách truyện dịch phải trả phí, người dùng được quyền sử dụng nội dung đã trả phí trong 12 tháng kể từ ngày trả phí (nguồn: bạch ngọc sách vip-reader).
Watermarking (Thủy vân số):
Chắc hẳn thuật ngữ watermark không có gì xa lạ với những người làm văn phòng hoặc thường xuyên tiếp cận với các loại chứng từ. Cách sử dụng thường thấy nhất của các doanh nghiệp là chèn logo của mình vào ảnh hay văn bản. Về mặt kỹ thuật, watermark là một loại "dấu ấn số" được nhúng ngẫu nhiên vào một tín hiệu chống nhiễu như dữ liệu âm thanh, video hoặc hình ảnh để xác định quyền sở hữu bản quyền của tín hiệu đó.
Trên thực tế thì có rất nhiều cách ứng dụng hiệu quả kỹ thuật này để bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong những môi trường có chuyên môn về công nghệ kỹ thuật. Cách đơn giản nhất là chèn logo vào tác phẩm để thể hiện cho người dùng biết ai là chủ sở hữu (hoặc có quyền). Ngoài ra, bạn có thể tạo những luồng thông tin siêu nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được và nhúng nó vào văn bản hoặc tác phẩm của mình dưới dạng watermark trước khi lưu hành. Đây sẽ là một yếu tố bất ngờ để bạn chứng minh một người nào đó sao chép tác phẩm của mình, khi hệ thống đọc thủy vân đọc sản phẩm không do bạn sản xuất mà thấy được watermark của bạn thì đó là sản phẩm sao chép, hoặc nếu watermark đó vẫn là của bạn nhưng bị sai lệch chồng chéo thì có nghĩa là có người đã chỉnh sửa tác phẩm của bạn.
Ngoài chức năng định danh thông tin và phát hiện xuyên tạc thông tin thì watermark còn có nhiều ứng dụng chuyên môn khác mà bạn có thể tìm hiểu qua các kênh chia sẻ kiến thức công nghệ.
Watermark được gắn vào hình ảnh có bản quyền để ngăn chặn hành vi tải lậu nội dung có trả phí (nguồn: shutterstock).
Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền trong xử lý xâm phạm
Về biện pháp xử lý, bạn có thể sử dụng phương thức báo cáo các nội dung xâm phạm bản quyền của mình tới đơn vị chủ quản của không gian mạng như Google, Reddit, Facebook, Shopee,... Để một trang mạng xã hội, ứng dụng hoặc một trình duyệt được cấp phép sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại thì chủ sở hữu cần phải thực hiện các thủ tục liên quan để Chính quyền cấp phép đủ điều kiện kinh doanh và đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình vận hành. Tức, họ có nghĩa vụ phải quản lý, kiểm duyệt các luồng thông tin xuất hiện trên tài sản số của mình, ngăn chặn và hỗ trợ xử lý các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Do đó, bạn có thể tự tạo báo cáo hoặc làm báo cáo theo mẫu (nếu có) gửi đến đơn vị chủ quản để báo cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, yêu cầu đơn vị đó có biện pháp khắc phục như xóa nội dung xâm phạm hoặc vô hiệu tài khoản đăng tải nội dung xâm phạm bản quyền của bạn.
Như đã nói ở trên, pháp luật Bản quyền Quốc gia và Quốc tế đều có quy định bảo vệ và ngăn cấm các hành vi lách, vô hiệu hóa biện pháp công nghệ bảo vệ quyền của chủ sở hữu với hậu quả từ hành chính đến hình sự. Vì vậy, nếu như người xâm phạm quyền tiếp tục, cố ý, tìm cách khác thực hiện hành vi xâm phạm sau khi đã bị xử lý thì bạn có thể gửi tố giác đến cơ quan chức năng để có biện pháp mạnh tay hơn và đồng thời báo cáo hành vi lách luật tới đơn vị chủ quản nơi nội dung được đăng tải.
4. Tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền tác giả
Cả luật Quốc gia và Quốc tế đều quy định quyền tác giả hình thành ngay từ khi tác giả tạo ra tác phẩm của mình mà không dựa trên bất kỳ thủ tục nào như đăng ký với Nhà nước hay công bố ra công chúng. Tuy nhiên, khi muốn giải quyết một hành vi xâm phạm nào đó thì bạn phải chứng minh bản quyền thuộc sở hữu của mình trước và điều đó sẽ chiếm một lượng thời gian đáng kể, nhất là trong môi trường Quốc tế thì đôi khi hành vi xâm phạm thậm chí có thể xảy ra ở bên kia bán cầu và rất khó khăn để chứng minh điều này nếu như không có giấy tờ pháp lý liên quan.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Asoka đăng ký cho khách hàng.
Thời gian để chứng minh quyền sở hữu có thể phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc. Nếu như tác phẩm gắn liền với hoạt động kinh doanh thì sẽ dẫn đến tổn thất kéo dài cho thương nhân. Chính vì thế mà việc đăng ký bản quyền tác giả sẽ là căn cứ xác thực và chắc chắn nhất cho tác giả và chủ sở hữu quyền bảo vệ lợi ích của mình. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận Quyền tác giả được ban hành bởi cơ quan nhà nước, ghi nhận rõ ràng người tạo ra tác phẩm cũng như người chủ sở hữu đối với tác phẩm đó.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế của Asoka, khi có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả với con dấu của cơ quan có thẩm quyền trên đó thì quy trình xử lý các báo cáo của đơn vị chủ quản mạng cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Việc đăng ký bản quyền tưởng như thừa thãi và thường bị các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam coi nhẹ nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc thực thi và bảo vệ quyền cho các chủ thể quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
Bài viết thực hiện bởi: Nguyễn Minh Quang - Asoka IP Law
Thông tin liên hệ Asoka IP Law - Tổ chức Tư vấn, Dịch vụ Quyền Tác Giả & Quyền Liên Quan
- Khu vực Miền Bắc: 096 191 4328 (zalo/WhatsApp/telegram)
- Khu vực Miền Nam: 0984 333 629 (zalo/WhatsApp/telegram)
Email: ipsupport@asokalaw.vn hoặc consult@asokalaw.vn
Chú thích bài viết:
1 TECHNICAL PROTECTION MESURES: THE INTERSECTION OF TECHNOLOGY, LAW AND COMMERCIAL LICENSES by Dean S. Marks* and Bruce H. Turnbull**