• mail_icon.svgconsult@asokalaw.vn
VN en
Bản quyền tác giả

Chuyên trang Asoka Law chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền, hướng dẫn cách đăng ký, chuyển nhượng, sửa đổi các hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam và quốc tế.

Đăng ký bản quyền tác giả cho giáo trình - “chất chống phô-tô" thế hệ mới

Giáo trình được xem là có khả năng bị sao chép nhiều nhất thông qua các hành vi in lậu, đạo văn, trích dẫn không hợp lý,... Làm sao để tác giả cần phải nắm bắt được thủ tục đăng ký bản quyền nhằm bảo vệ tối đa sản phẩm trí tuệ - giáo trình của mình.

Giáo trình là một học liệu giảng dạy, học tập chuyên sâu tại cơ sở đào tạo như trường đại học, cao đẳng hay các trung tâm ngoại ngữ, đào tạo nghề,... Để xuất bản được một tác phẩm giáo trình đòi hỏi rất nhiều công sức và chất xám của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay, giáo trình được xem là một trong các đối tượng có khả năng bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất thông qua các hành vi in lậu, đạo văn, trích dẫn không hợp lý,... Do đó các tác giả cần phải nắm bắt được thủ tục đăng ký bản quyền nhằm bảo vệ tối đa sản phẩm trí tuệ - giáo trình của mình. 

Dang ky ban quyen giao trinh - 1 asokalaw.vn

Đăng ký bản quyền cho giáo trình là một biện pháp để bảo vệ quyền tác giả.

Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả cho giáo trình

 

Căn cứ vào quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan, việc tiến hành đăng ký quyền tác giả cho giáo trình gồm ba bước sau:

 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả

 

Thông thường, tác giả (người biên soạn) của giáo trình đồng thời là chủ sở hữu của giáo trình đó. Tuy nhiên, nếu giáo trình được hình thành là do việc giao nhiệm vụ biên soạn từ cơ sở đào tạo hoặc từ việc chuyển giao quyền tác giả từ người biên soạn thì cơ sở đào tạo sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với giáo trình đó. 

Dang ky ban quyen giao trinh - 2 asokalaw.vn

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho giáo trình.

Tùy thuộc vào mối tương quan giữa tác giả và chủ sở hữu mà hồ sơ đăng ký quyền tác giả cũng có sự khác biệt tương ứng. Cụ thể:

 

1. Tác giả (nhóm tác giả) đồng thời là chủ sở hữu của giáo trình

 

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho giáo trình bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
  • Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu của tác giả (nhóm tác giả);
  • Bản sao tác phẩm (bao gồm bản in và bản điện tử được ghi bằng đĩa DVD/USB);
  • Văn bản ủy quyền nếu tác giả (nhóm tác giả) không phải là người nộp hồ sơ mà thông qua ủy quyền;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả nếu tác giả là nhóm các giảng viên.

 

2. Tác giả (nhóm tác giả) không là chủ sở hữu giáo trình

 

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
  • Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu của tác giả (nhóm tác giả);
  • Bản sao tác phẩm (bao gồm bản in và bản điện tử được ghi bằng đĩa DVD/USB);
  • Bản sao Quyết định thành lập/Giấy phép của cơ sở đào tạo;
  • Quyết định giao việc của trường/Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả;
  • Bản cam đoan về việc sáng tạo của tác giả (nhóm tác giả);
  • Văn bản ủy quyền nếu tác giả/chủ sở hữu không phải là người nộp hồ sơ mà thông qua ủy quyền;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả nếu tác giả là nhóm các giảng viên.

 

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả

 

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ, người nộp đơn có thể nộp Hồ sơ đăng ký quyền tác giả theo hai cách sau:

1. Nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới một trong các địa chỉ:

  • Hà Nội: Cục bản quyền tác giả, địa chỉ: Số 33, Ngõ 294/2, Đường Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội;
  • TP.Hồ Chí Minh: Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 170, Đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh;
  • Đà Nẵng: Văn phòng Đại diện tại TP Đà Nẵng, địa chỉ: Số 1, Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.

 

2. Nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công

 

Cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Bước 3: Nộp phí, lệ phí và nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

 

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. 

Người nộp hồ sơ đến đóng phí là 100.000 đồng (phí đăng ký quyền tác giả đối với giáo trình theo Điều 4 Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả) để nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. 

 

Những lưu ý khi tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền cho giáo trình 

 

Chủ thể có thẩm quyền nộp hồ sơ đăng ký 

 

Theo Khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Khoản 1,2,3 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ, chủ thể có thẩm quyền nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với giáo trình gồm:

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả: Người biên soạn, cơ sở đào tạo - nơi người biên soạn công tác hoặc nơi được nhận chuyển giao quyền tác giả từng người biên soạn. 

2. Đại diện hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu: 

  • Trường hợp cá nhân (tác giả) đăng ký: Người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của cá nhân;
  • Trường hợp tổ chức (cơ sở đào tạo) đăng ký: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của tổ chức ủy quyền; tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của tổ chức.

Dang ky ban quyen tac gia giao trinh - 3 asokalaw.vn

Cần xác định rõ ai là người có quyền đăng ký.

Trường hợp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả

 

Theo Khoản 2 Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và trả hồ sơ, thông báo bằng văn bản trong các trường hợp sau:

1. Không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, gồm:

  • Điều kiện về tác giả, chủ sở hữu theo Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2022;
  • Điều kiện về tác phẩm theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2022;
  • Thành phần hồ sơ hợp lệ;

2. Phát hiện giáo trình có hình thức hoặc nội dung: Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; mê tín dị đoan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật;

3. Phát hiện giáo trình đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc Trọng tài;

4. Trong trường hợp hồ sơ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung mà hết thời hạn 01 tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nhận được hồ sơ hợp lệ hoặc hồ sơ đã nộp lại vẫn không hợp lệ.

Để tránh mất thời gian khi không hiểu rõ thủ tục, quý khách hàng có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho giáo trình hoặc các loại hình sản phẩm khác có khả năng đăng ký bản quyền có thể liên hệ đến Asoka Law & Partners - Một Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, được ghi nhận bởi Cục Bản Quyền Tác Giả để được hỗ trợ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Bài viết được thực hiện bởi: Hồng Hải Đặng - Asoka Law & Partners

Thông tin liên hệ Asoka Law:

Khu vực Miền Bắc: 096 191 4328 (zalo/WhatsApp/telegram)
Khu vực Miền Nam: 0984 333 629 (zalo/WhatsApp/telegram)
Email: ipsupport@asokalaw.vn hoặc consult@asokalaw.vn

Nhận tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý của bạn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
zalo-img.png
Đăng ký tư vấn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
Dịch vụ bạn cần tư vấn: