Trang tổng hợp tin tức mới nhất về các thủ tục hoặc các tranh chấp liên quan đến dân sự như hôn nhân và gia đình, thừa kế, nhận con nuôi,... do Hãng Luật Asoka Law tham gia xử lý hoặc phân tích dưới góc độ bình luận pháp lý.
Thời gian gần đây, hiện tượng một số chiến sĩ cảnh sát giao thông lựa chọn phương thức “núp lùm” để phát hiện và xử lý những người tham gia giao thông ngày càng trở nên phổ biến. Vậy, liệu khi sử dụng phương thức mặc thường phục, lẩn trốn và xử lý các hành vi vi phạm như vậy có đúng với các quy định của pháp luật? Hãy cùng Asokalaw tìm hiểu qua bài viết sau.
Các chiến sĩ cảnh sát giao thông “núp lùm” để xử phạt người vi phạm. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Ngày 15 tháng 2 năm 2016, Bộ công an đã có quy định cụ thể tại Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định cụ thể các hình thức tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, theo đó, các chiến sĩ cảnh sát giao thông chỉ thực hiện việc tuần tra giám sát theo phương thức hóa trang (mặc thường phục), hay còn được gọi với ngôn ngữ dân dã là “núp lùm” để xử lý các hành vi vi phạm của người dân khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 9 của Thông tư 01/2016/TT-BCA. Đó là phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền phê duyệt, và khi phát hiện vi phạm, phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc, các chiến sĩ cảnh sát mặc thường phục chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông khi có những diễn biến phức tạp, khó có thể kiểm tra, giám sát theo phương thức thông thường, nhưng sau đó, phải có bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai, sử dụng đúng trang phục, phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tiến hành kiểm tra, xử lý. Thông tư cũng chỉ rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Cảnh sát giao thông mặc thường phục khi làm nhiệm vụ. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Như vậy, các chiến sĩ cảnh sát giao thông không thể lựa chọn phương thức “núp lùm” để xử lý các hành vi vi phạm của người dân. Tuy nhiên, có thể phối hợp cùng với phương thức tuần tra, kiểm soát công khai khi đáp ứng được các điều kiện của pháp luật để nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý tốt những hành vi vi phạm an toàn giao thông.