Chuyên trang Asoka Law chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền, hướng dẫn cách đăng ký, chuyển nhượng, sửa đổi các hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam và quốc tế.
Thực trạng trả tiền bản quyền khi mở nhạc tại quán cà phê, nhà hàng
Sự hiện hữu của các tác phẩm âm nhạc trong không gian nhà hàng, quán cà phê không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta. Đó dường như là món ăn tinh thần khi khách hàng lui tới các không gian này. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp không chú ý đến việc phát các bài hát, chỉ phát theo cảm hứng, bài nào đang nổi thì bật nhằm thu hút khách hàng mà không nắm rõ quy định của pháp luật về việc sử dụng các bài hát phải trả tiền bản quyền.
Bài hát là một sản phẩm trí tuệ, tài sản vô hình, việc trả tiền bản quyền là bắt buộc đối với người sử dụng trong một số trường hợp pháp luật quy định. Mục đích cơ bản của việc này là tôn trọng quyền tác giả, công sức, thời gian, tiền bạc của người tạo ra tác phẩm đó. Việc mở nhạc trong các quán cà phê, nhà hàng không chỉ thu hút khách hàng mà còn nhằm gia tăng thị phần, tăng sức mua của khách hàng, quảng bá thương hiệu, tối đa hóa doanh thu. Điều này đều là nhằm mục đích thương mại.
Như vậy các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê,… mở nhạc phục vụ khách thì được coi là “có mục đích thương mại” và phải trả tiền bản quyền.
Quy định của pháp luật liên quan đến trả tiền bản quyền trong hoạt động kinh doanh, thương mại
Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2022) đã có quy định về các trường hợp sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về bản ghi âm, ghi hình tại Điều 26 và Điều 33. Theo đó, trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng.
Ngoài ra, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã đề cập đến trả tiền bản quyền trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Cụ thể, Điều 35 Nghị định 17/2023/NĐ-CP nêu rõ về trả tiền bản quyền trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều 34 của Nghị định này không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục II của Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không trả tiền bản quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ khi sử dụng thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng.
Trong Nghị định cũng giải thích rõ định nghĩa về việc sử dụng tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại là gì. Đó là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại; câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; quán bar, vũ trường; trong hoạt động hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại có bản chất tương tự.
Cách thức trả tiền bản quyền khi phát nhạc trong quán cà phê, nhà hàng
Cách thứ nhất: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình. Sau đó, cung cấp danh mục, thời lượng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã sử dụng và trả tiền bản quyền.
Cách thứ hai: Liên hệ với Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để cung cấp danh mục, thời lượng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã sử dụng và trả tiền bản quyền. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền bản quyền theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp đồng ủy quyền. Đây là một trong những cách được áp dụng phổ biến hiện nay.
Cách thứ ba: Trường hợp không tìm thấy hoặc không liên lạc được với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thực hiện nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là Cục Bản quyền tác giả. Cơ quan này có thẩm quyền tiếp tục tìm kiếm, quản lý.
Ngoài ra, có các dịch vụ phát nhạc trực tuyến hợp pháp như Spotify Business, Soundtrack Your Brand, cung cấp các bản nhạc được cấp phép cho mục đích kinh doanh.
Mức phạt đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan
Căn cứ Điều 29 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tùy vào mức độ và hình thức vi phạm mà người vi phạm có thể chịu mức phạt cao nhất là 25.000.000 đồng khi không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp cụ thể như sau:
Trong kinh doanh quán cà phê, nhà hàng, việc mở nhạc để tạo không gian hấp dẫn là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định về bản quyền âm nhạc và trách nhiệm của mình. Trả tiền bản quyền cho các bài hát và tuân thủ quy định pháp luật sẽ giúp tránh các hậu quả pháp lý và tài chính không mong muốn. Đồng thời, việc coi trọng quyền tác giả và trả tiền bản quyền sẽ tạo động lực sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm hay, chất lượng hơn.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi qua website hoặc liên hệ qua các hotline bên dưới để được chuyên viên, luật sư phụ trách hỗ trợ chi tiết và kịp thời.
Thông tin liên hệ Asoka IP Law: